Chùa Thiên Hậu và lối kiến trúc mang hơi thở văn hóa truyền thống
62 Lượt xem
Chùa Thiên Hậu Malaysia là công trình thờ thánh mẫu Thiên Hậu hay nữ thần Mazu có quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Dừng chân tại đây, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng lối kiến trúc giao thoa giữa Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo, cùng với đó phong cách thiết kế mang hơi thở truyền thống đan xen hiện đại.
1. Chùa Bà Thiên Hậu lớn nhất Đông Nam Á
1.1 Địa chỉ chùa Bà Thiên Hậu Malaysia
Địa chỉ: 65, Persiaran Endah, Taman Persiaran Desa, 50460 Kuala Lumpur, Wilayah Persekutuan Kuala Lumpur, Malaysia.
Chùa Bà Thiên Hậu (Thean Hou Temple) là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tọa lạc trên đồi Robson, thuộc khu người gốc Hoa tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Với diện tích lên đến 6.760m2, đây được biết đến như công trình thờ thánh mẫu Thiên Hậu lớn nhất Đông Nam Á.
Cộng đồng người dân đảo Hải Nam khi di cư đến vùng đất này đã cho xây dựng chùa với mục đích gìn giữ bản sắc văn hóa. Điều này được thể hiện rõ nét nhất qua lối kiến trúc truyền thống Trung Quốc, đặc trưng bởi hệ thống mái vòm cong vút và ngói xếp kiểu âm dương.
1.2 Ngôi chùa thờ ai?
Ngôi chùa thờ thánh mẫu Thiên Hậu hay nữ thần biển Ma Tổ (Mazu) linh thiêng theo tín ngưỡng của người Trung Quốc. Tiền thân của vị thần này là một nữ nhân tên Lâm Mặc, quê quán ở cảng Tây An, tỉnh Phúc Kiến, có khả năng tiên tri thời tiết giúp đỡ cho bao ngư dân.Trong một cơn bão, Lâm Mặc đã xuất hồn vượt hàng trăm cây số để cứu cha và anh trai lâm nguy giữa biển khơi, tuy nhiên người cha không qua khỏi. Sống trong đau buồn, cô rời xa trần thế vào năm 28 tuổi khi đang ngủ. Người dân để bày tỏ lòng tôn kính đã thờ cúng thành thần, cầu xin sự bảo hộ của cô khi đi trên sông nước hoặc đi xa bằng đường biển.
2. Phương tiện và cách di chuyển đến chùa Thiên Hậu
Chùa Thiên Hậu nằm ngay trung tâm thủ đô Kuala Lumpur, do đó việc di chuyển đến đây khá dễ dàng và thuận tiện. Để tiết kiệm chi phí cho cả chuyến du lịch, bạn có thể chọn đi bằng monorail - một loại tàu điện trên cao khá phổ biến Malaysia.
Về cách di chuyển, từ điểm lưu trú hoặc khu vực trung tâm, bạn xuất phát đến trạm LRT Tun Sambanthan. Rồi từ đây đi bộ khoảng 20 phút tới chùa nếu muốn kết hợp tham quan thủ đô, hoặc đón taxi để tối ưu lịch trình.
3. Lối kiến trúc của chùa Thiên Hậu
Nét độc đáo của ngôi chùa được thể hiện hiện qua sự giao thoa giữa lối kiến trúc Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo. Từng chi tiết dù nhỏ nhất đều góp phần tạo nên một công trình hoành tráng vừa mang đậm kỹ thuật hiện đại, vừa giữ trọn thiết kế truyền thống.
Ngay khi bước vào chùa, bạn sẽ không khỏi choáng ngợp trước chiếc cổng có cấu trúc đa vòm, được chống đỡ bằng những cột trụ màu đỏ tượng trưng cho sự thịnh vượng và may mắn. Không gian nơi đây nhìn chung gồm những khu vực chính:
Tầng 1 hay tầng trệt: quầy lưu niệm, các quán ăn chay
Tầng 2: hội trường đa năng nơi tổ chức đám cưới cho cộng đồng người Hoa tại Malaysia
Tầng 3: khu văn phòng nơi đăng ký tiệc cưới
Tầng 4: khu phòng cầu nguyện nơi thờ phụng và tổ chức các nghi lễ hằng ngày
Các họa tiết trang trí chùa Thiên Hậu tuy có nhiều màu sắc rực rỡ, nhưng nhìn chung từ mái ngói đến hệ thống cột trụ, kèo ngang vẫn lấy đỏ và vàng làm chủ đạo. Chỉ có một số chi tiết chạm khắc tinh xảo như tấm phù điêu đặt giữa lối đi, thanh diềm phía dưới được sơn màu khác để làm nổi bật lên.
Đặc biệt, ngôi chùa thu hút khách du lịch Malaysia với hàng trăm, nghìn chiếc đèn lồng treo khắp khuôn viên. Vào buổi tối, những chiếc đèn này sẽ được thắp sáng rực, nhìn từ tầng 4 xuống tạo nên khung cảnh vô cùng lung linh và huyền ảo.
4. Các công trình nổi bật trong khuôn viên
Khu phòng cầu nguyện tại tầng 4 của chùa là nơi được nhiều người lui tới. Không gian nơi đây đặt 3 bàn thờ, mỗi bàn là tác phẩm điêu khắc của một vị thần hoặc nữ thần. Trong đó có Phật Bà Quan Âm (nữ thần của lòng thương xót và từ bi), thánh mẫu Thiên Hậu (vị thần trấn giữ chùa) và Thủy Vị Sinh Nương (nữ thần của dòng sông). Tại khu phòng này, các sư sẽ thực hiện nghi lễ cúng bái hằng ngày. Bà con địa phương và khách du lịch có thể dâng hương ở bên ngoài phòng.
Sau khi cầu an, đừng quên tham quan và khám phá các khu vực khác trong chùa Thean Hou Malaysia như vườn thảo dược Trung Quốc, giếng ước, ao rùa. Cuối cùng là bức tượng lớn của thánh mẫu đặt ở đối diện tòa nhà chính, với bộ sưu tập các tượng lớn khác đại diện cho 12 con vật linh thiêng theo thuật chiêm tinh của người Hoa.
Các bạn đang xem bài viết Chùa Thiên Hậu và lối kiến trúc mang hơi thở văn hóa truyền thống
Vui lòng ghi nguồn https://bestour.com.vn khi đăng tải lại bài viết này.
Bình luận với tài khoản Facebook