Lệ Giang cổ trấn
48 Lượt xem
Dù đã kết thúc khá lâu nhưng sức hút của bộ phim “Đi đến có gió” quay ở Đại Lý - Vân Nam do cặp đôi trai tài gái sắc Lưu Diệc Phi và Lý Hiện thủ vai vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nếu đã trót mê mẩn những cảnh phim bình yên, thơ mộng như tranh vẽ, những ngôi nhà rực rỡ sắc hoa bên dòng sông êm đềm trôi thì chắc hẳn bạn sẽ rất yêu thích những ngôi làng cổ khác ở Vân Nam như Lệ Giang cổ trấn.
1. Lệ Giang nằm ở đâu Trung Quốc
Lệ Giang nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều cảnh quan thơ mộng trữ tình. Thành cổ Lệ Giang (bao gồm Lệ Giang Cổ Trấn, Thúc Hà, Bạch Sa) với lịch sử hình thành hơn 1000 năm, là một trong 4 thị trấn cổ nổi tiếng nhất Trung Quốc và được UNESCO xếp hạng là di sản văn hóa thế giới. Nơi đây được nhiều du khách ví von như là “Venice của phương Đông”. Ở độ cao hơn 2000m so với mực nước biển nên khí hậu ở Lệ Giang vô cùng mát mẻ và dễ chịu, bạn có thể chọn lịch trình bất kì trong năm mà không phải lo về vấn đề thời tiết.
Để tham quan hết Lệ Giang Cổ Trấn bạn có thể mất hơn một ngày vì khung cảnh ban ngày và ban đêm vô cùng khác biệt. Nếu ban ngày ngôi làng cổ mang đến cảm giác yên bình nhẹ nhàng, thì đêm xuống nơi đây lại trở thành một nơi vô cùng náo nhiệt, rực rỡ. Đừng quên chuẩn bị cho mình đôi chân khỏe mạnh và một đôi giày êm vì nơi này rất rộng và cần phải đi bộ rất nhiều nha.
2. Đặc điểm kiến trúc của Lệ Giang cổ trấn
Từ cách bố trí tổng thể của thành phố đến kỹ thuật và kiến trúc, Lệ Giang cổ trấn là nơi hội tụ tinh hoa của người Hán, Bạch, Lô Lô, Tây Tạng, Nạp Tây và các nhóm dân tộc thiểu số trong khu vực. Kiến trúc của thành cổ Lệ Giang không hề bị ảnh hưởng bởi những mô típ đặc thù của các thành phố ở khu vực trung tâm khác, ngược lại sở hữu một nét đặc trưng riêng biệt vô cùng độc đáo, biến nơi này thành điểm du lịch tham quan nổi tiếng độc nhất vô nhị.
Lệ Giang cổ trấn lấy nước làm cốt lõi, thể hiện bố cục không gian độc đáo với hệ thống nước được bố trí khắp cổ trấn. Khu vực cổ thành cũng rất nổi tiếng với những cây cầu cong cong bắc qua những cong rạch nước trong vắt, mát lành.
Về hình dáng và kết cấu bên ngoài, các ngôi nhà ở khu vực thành cổ kết hợp kiến trúc Hán và kiến trúc Tây Tạng, Bạch,… sử dụng tường đất và đá, mái xếp tầng với ngói xanh, khung gỗ, bổ sung các chi tiết hội họa và mỹ thuật đặc trưng cùng các khía cạnh kỹ thuật đặc thù khác hình thành nên phong cách vô cùng độc đáo. Hầu hết các ngôi nhà là cấu trúc dân dụng được xây theo kiểu tam phường nhất chiếu bích, tứ hợp ngũ thiên tỉnh, tiền hậu viện, nhất tấn lượng viện đẳng kỉ,…
Kiến trúc Lệ Giang là sự thống nhất cơ hữu giữa vẻ đẹp tự nhiên và sự khéo léo của bàn tay con người, giữa nghệ thuật và nền văn minh thời cổ xưa. Nghệ thuật chứa đựng trong kiến trúc của Lệ Giang xuất phát từ sự hiểu biết sâu sắc về cuộc sống của người Nạp Tây, là sản phẩm của sự hội nhập văn hóa và công nghệ dân tộc địa phương, đồng thời là một phần quan trọng trong di sản kiến trúc quý giá của dân tộc Trung Hoa.
3. Những điểm tham quan chính ở Lệ Giang cổ trấn
Mộc Phủ (Mufu)
Mộc Phủ ban đầu là thủ phủ của gia đình họ Mộc ở Lệ Giang, nằm ở phía Đông chân núi Shizi (Sư Tử) thuộc cổ thành Lệ Giang. Dinh thự họ Mộc có diện tích 46 mẫu, trong dinh thự có 162 căn phòng lớn nhỏ, trục trung tâm dài 369 mét, Tam Thanh Điện, Ngọc Âm Lâu, Quang Bích Lâu, Hộ Pháp Điện, Vạn Quyên Lâu, Quảng trường Trung Nghĩa được sắp xếp theo thứ tự từ Tây sang Đông.
Có mười một tấm biển do các hoàng đế từ các triều đại trước ban tặng được treo bên trong, phản ánh lịch sử thăng trầm của gia tộc họ Mộc. Bộ phim truyền hình "Mộc Phủ Phóng Vân" kể về câu chuyện của thủ lĩnh gia đình họ Mộc của Lệ Giang đã được quay ở đây.
Vạn Cổ Lâu (Wangulou)
Vạn Cổ Lâu là một tòa tháp được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ có mái hiên năm lớp kiểu tháp, cao 33 mét, tượng trưng cho 330.000 người thuộc các nhóm dân tộc khác nhau ở Quận tự trị Lệ Giang Nạp Tây trước đây.
Ở đây bạn có thể nhìn thấy Núi tuyết Ngọc Long huyền diệu và xinh đẹp ở phía Bắc, những cây cầu nhỏ và dòng nước chảy róc rách ở phía Đông, Lệ Giang cổ trấn mới đầy màu sắc ở phía Tây và những ngôi làng thôn quê đẹp như tranh vẽ ở phía Đông và phía Nam.
Bảo tàng Văn hóa Dongba Lệ Giang
Bảo tàng văn hóa Dongba Lệ Giang nằm ở phía Bắc của Hắc Long Đàm, được thành lập vào tháng 7 năm 1984, là bảo tàng cấp huyện đầu tiên ở tỉnh Vân Nam. Bảo tàng có diện tích 30 mẫu, là nơi lưu giữ hơn 10.000 di tích văn hóa quý giá, trong đó có 52 di tích văn hóa cấp quốc gia. Bảo tàng Văn Hóa Dongba cũng là nơi trưng bày sản phẩm quý mang tên "Văn hóa Dongba" và phòng triển lãm nhiếp ảnh phong tục truyền thống dân tộc.
Ngũ Phụng Lâu (Wufenglou)
Ngũ Phụng Lâu nằm trong Phúc Quốc Tự ở Lệ Giang Trung Quốc được xây dựng vào năm Vạn Lịch thứ 29 của triều nhà Minh (năm 1601 sau Công nguyên). Bởi vì hình dạng kiến trúc của tòa tháp giống như năm con phượng hoàng đang bay, nên nó được đặt tên là Ngũ Phụng.
Tòa tháp này cao 20 mét, tích hợp các phong cách nghệ thuật kiến trúc của Hán, Tây Tạng, Nạp Tây, trên trần của tòa nhà được vẽ rất nhiều hoa văn tinh xảo. Đây là một kho báu và một ví dụ điển hình về kiến trúc cổ đại của Trung Quốc.
Chùa Puji (Phổ Tế Tự)
Chùa Puji nằm ở núi Puji, cách thành cổ Lệ Giang 6 km về phía Tây Bắc, được xây dựng vào năm Càn Long thứ 36 (1771), là một trong năm tu viện Phật giáo lớn nhất ở ngoại thành Lệ Giang. Năm 1988, chùa Puji được liệt kê trong danh sách di tích văn hóa cấp tỉnh cần được bảo vệ. Trong sân của chánh điện có hai cây anh đào được trồng từ năm 1771, là cây hoa anh đào nổi tiếng nhất Vân Nam.
Phố vuông Tứ Phường (Sifang)
Phố Tứ Phường là một con phố ăn vặt nổi tiếng trong thành cổ, hai bên đường là vô số các nhà hàng nhỏ chuyên cung cấp các loại loại mỳ gạo đặc trưng của Vân Nam, vì thế nên con phố này còn được gọi là “Phố mỳ Lệ Giang”.
Con phố này là trung tâm của thành cổ Lệ Giang, tương truyền do thủ lĩnh họ Mộc thời nhà Minh xây dựng theo hình ấn ký của ông. Đây là trung tâm quan trọng nhất của Trà Mã Cổ Đạo – nơi các các thương nhân từ mọi tầng lớp xã hội và nền văn hóa của các dân tộc khác nhau đã giao thoa ở đây dưới thời nhà Thanh và nhà Minh.
Phố Tứ Phường ngày nay là một địa điểm quan trọng trong thành phố Lệ Giang, nơi thường xuyên được sử dụng để tổ chức các hoạt động lễ hội và hoạt động văn hóa trong thành phố.
Cầu cổ Lệ Giang
Có tới 354 cây cầu được xây dựng trên hệ thống dẫn nước ở Lệ Giang cổ Trấn, với mật độ trung bình là 93 cây cầu trên một km2. Những cây cầu ở đây có nhiều hình dạng khác nhau, nổi tiếng nhất trong số đó là cầu Suối Nguồn, cầu Đại Thạch, cầu Vạn Thiên, cầu Nam Môn, cầu Mã An và cầu Nhân Thọ, tất cả đều được xây dựng vào thời nhà Minh và nhà Thanh (thế kỷ 14-19 sau Công nguyên). Trong số đó, cầu Đại Thạch nằm cách phố Tứ Phường 100 mét về phía Đông là đặc biệt nhất.
Hắc Long Đàm
Hắc Long Đàm còn được gọi là Công viên Ngọc Tuyền, nằm dưới chân núi Tương Sơn ở phía Bắc thành cổ Lệ Giang, ở độ cao 2500m so với mực nước biển. Từ phố Tứ Phường ngược dòng lên thượng nguồn sông Ngọc Hà khoảng 1km sẽ bắt gặp một hồ nước trong vắt như pha lê, đó là Hắc Long Đàm.
Nước từ trong các khe đá và những dòng suối trong vắt ở xung quanh chảy vào Hắc Long Đàm tạo thành một hồ nước rộng 40.000 mét vuông, được bao bọc bởi những ngọn núi hùng vĩ, những cây liễu duyên dáng và những vườn hoa rực rỡ.
Phố cổ Bạch Sa
Cụm nhà ở khu phố cổ Bạch Sa được xây dựng trong triều đại nhà Tống và nhà Nguyên nằm cách Phố cổ Dayan 8km về phía Bắc. Những ngôi nhà ở đây được sắp xếp theo trục Bắc - Nam xung quanh một quảng trường trung tâm. Khu phức hợp tôn giáo này bao gồm các hội trường và bảo tàng chứa hơn 40 bức tranh có niên đại từ đầu thế kỷ 13 mô tả các chủ đề liên quan đến Phật giáo, Đạo giáo và cuộc sống của người Nạp Tây, kết hợp các yếu tố văn hóa của người Bạch.
Thúc Hà Cổ Trấn
Thúc Hà cổ trấn nằm cách phố cổ Dayan 4 km về phía Tây Bắc với những ngôi nhà nép mình dưới chân núi và được bao quanh bởi nước phản ánh sự pha trộn của văn hóa địa phương, phong tục dân gian và truyền thống qua nhiều thế kỷ.
Thúc Hà cổ trấn là một trong những khu định cư sớm nhất của người Nạp Tây ở Lệ Giang, nổi tiếng với những cây cầu nhỏ, những ngôi nhà cổ và những con đường lát đá xanh, giống như một phiên bản thu nhỏ của Lệ Giang, nhưng nó yên tĩnh và cổ kính hơn do không phát triển thương mại như Dayan.
4. Đặc sắc văn hóa truyền thống ở Lệ Giang Cổ Trấn
Lệ Giang là nơi cư ngụ của phần lớn người dân Nạp Tây nên cũng là nơi gìn giữ truyền thống người Nạp Tây với nhiều hoạt động văn hóa độc đáo, trong đó lễ hội là một phần không thể thiếu trong phong tục và đời sống thường ngày của người dân tộc thiểu số vùng Vân Nam ở Lệ Giang.
Các lễ hội truyền thống quốc gia của người Nạp Tây ở thành cổ Lệ Giang chủ yếu bao gồm: Lễ hội Gia Tử, Lễ hội thờ cúng tổ tiên, Lễ hội đốt đuốc, Lễ hội dược vương, Lễ hội nước suối, Hội chợ la và ngựa, Hội chợ đền vua rồng, Lễ hội Sanduo, Lễ hội cậu bé chăn cừu, Hội chợ đền Beiyue, Lễ hội nông cụ Bạch Sa, v.v.. Trong đó lễ hội Gia Tử (Jiazi) là độc đáo nhất.
Jiazi là một lễ hội lâu đời của người Nạp Tây. Thời xưa dùng thiên can địa chi để tính ngày tháng năm, có 10 thiên can và 12 địa chi. Hàng năm, các nhóm tôn giáo khác nhau của người Nạp Tây ở Lệ Giang sẽ tổ chức lễ hội thường niên. Vào ngày đầu tiên của lễ hội, các tín đồ của tất cả các tôn giáo sẽ tập trung tại Quảng trường trong cổ thành để triệu hồi 36 vị thần, và thay nhau biểu diễn. Người Dongba cầm trống và chuông, mặc trang phục truyền thống và đội mũ màu xanh lá cây, liên tục biểu diễn vũ điệu "thu phục ma quỷ" trong 7 ngày.
5. Ẩm thực nổi tiếng ở thành cổ Lệ Giang
Ẩm thực ở Lệ Giang bị ảnh hưởng nhiều của văn hóa Nạp Tây và ẩm thực của toàn vùng Vân Nam. Một số món ăn đặc trưng có thể thưởng thức tại thành cổ Lệ Giang bao gồm: thạch đậu xanh, đậu phụ mổ gà, thịt nướng Nạp Tây, bánh Lệ Giang baba, món ăn từ cây gai dầu, trám phổi lợn, gan thổi, bánh ngô mềm, trà bơ, xôi nếp, lẩu nhúng,...
Lẩu dê đen Lệ Giang là đặc sản địa phương nổi tiếng mà du khách không nên bỏ qua. Thịt dùng trong món lẩu này có thớ mịn, thịt mềm, hương vị thơm ngon và không bị hôi. Món ăn này có giá trị dinh dưỡng cao, ít chất béo và cholesterol, giúp con người bồi bổ cơ thể, nâng cao khả năng miễn dịch. Phần thịt dê trước khi đưa ra phục vụ đã được nhúng tái nên hầu như không còn mùi khó chịu và cũng không đông đá như các món thịt nhúng lẩu ở Việt Nam nên khi ăn sẽ cảm thấy vẫn tươi ngon và vừa miệng. Nước lẩu dê đen được đun kỹ trong 4-5 tiếng với công thức thảo dược bí truyền tạo nên hương vị thơm ngon, đậm đà, rất thích hợp thưởng thức trong những ngày lạnh.
Lẩu sườn khô hay sườn khô nhúng cũng là một món ăn khác nổi tiếng ở Lệ Giang. Món ăn này rất đơn giản, khi nước lẩu sôi, rưới thêm một ít nước súp sườn heo lên, sau đó nhúng lẩu sườn khô vào là xong. Ngoài lẩu dê đen, du khách cũng có thể thưởng thức lẩu sườn khô như một món ăn đặc trưng của người dân địa phương. Du khách nên ghé chợ Tương Sơn để thưởng thức lẩu sườn khô Lệ Giang. Hầu như tất cả các cửa hàng ở khu chợ này đều bán sườn khô từ sáng đến 2h chiều.
Lạp xưởng Lệ Giang là không giống như lạp xưởng Tây Bắc hay các món lạp xương ở một số vùng miền khác tại Trung Quốc. Loại lạp xưởng này được làm từ tiết lợn, gạo và các loại gia vị được trộn với nhau theo tỷ lệ nhất định, sau đó đổ vào ruột heo đã sơ chế. Loại lạp xưởng này là một trong những món ăn độc đáo hiếm có của người Nạp Tây ở Lệ Giang.
Các bạn đang xem bài viết Lệ Giang cổ trấn
Vui lòng ghi nguồn https://bestour.com.vn khi đăng tải lại bài viết này.
Bình luận với tài khoản Facebook